Khám phá phương pháp lớp học đảo ngược – Giải pháp tối ưu cho giáo dục hiện đại
Phương pháp lớp học đảo ngược – flipped classroom được xem là thuật ngữ cho giáo dục quen thuộc tại phương Tây nhưng còn khá mới lạ tại Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, phương pháp đào tạo này đã trở thành một giải pháp tối ưu, mang lại sự linh hoạt và tương tác cho quá trình học tập. Hãy cùng khám phá chi tiết về mô hình giáo dục theo kiểu mới để hiểu vì sao nó thành xu hướng trong thời đại hiện nay nhé.
1. Phương pháp lớp học đảo ngược là gì?
Trước khi bắt đầu, chúng ta cần làm rõ một số điều về sự khác biệt của khái niệm “ flipped classroom” là gì và có sự khác biệt thế nào so với phương pháp học theo kiểu truyền thống. Đối với phương pháp đào tạo theo kiểu truyền thống, một buổi lên lớp sẽ bắt đầu với việc giáo viên chuẩn bị bài giảng và học sinh chuẩn bị làm bài tập về nhà theo yêu cầu. Như vậy thầy cô sẽ đóng vai trò là trung tâm truyền đạt thông tin mới cho những học sinh tiếp thu nó một cách thụ động. Khi áp dụng phương pháp lớp học đảo ngược thì vai trò truyền đạt thông tin giữa giáo viên và học sinh trở nên ngược đảo. Kỹ thuật này tập trung vào việc cung cấp cho học sinh tài liệu dưới dạng bài giảng, video, bài thuyết trình….Thay vì giáo viên là người trực tiếp truyền đạt kiến thức trong lớp, học sinh sẽ xem bài giảng của giáo viên trước ở nhà, nắm được nội dung chính và sẽ cùng giáo viên thảo luận, nghiên cứu sâu hơn về chủ đề đó khi lên lớp.
2. Cấu trúc của phương pháp lớp học đảo ngược
Cấu trúc của mô hình lớp học đảo ngược được chia thành 2 giai đoạn:
2.1 Giai đoạn 1: Tìm hiểu thông tin mới
Giai đoạn tìm hiểu thông tin được diễn ra tại nhà, học sinh không chỉ đơn thuần là người tiếp nhận kiến thức từ phía giảng viên. Thay vào đó, họ sẽ tự tiếp xúc với nội dung học trước bằng cách đọc sách, xem video bài giảng trực tuyến mà giáo viên đã gửi sau đó ghi chép các kiến thức thu nhận được kèm theo các câu hỏi thắc mắc để cùng thảo luận với giáo viên và các bạn trên lớp.
2.1 Giai đoạn 2: Đào sâu vào kiến thức
Giai đoạn này diễn ra tại lớp học, học sinh và giáo viên sẽ tương tác với nhau, học sinh tương tác với các bạn trong lớp về bài học đã tìm hiểu trước đó ở nhà. Nhiệm vụ của thầy cô là giải đáp các câu hỏi của học sinh sau đó đưa thêm các kiến thức chuyên sâu vào bài giảng. Lúc này, học sinh sẽ nghe giáo viên giải đáp, làm việc nhóm, thảo luận để củng cố kiến thức liên quan đến nội dung bài học.
3. Ưu điểm của phương pháp lớp học đảo ngược flipped classroom
3.1 Học sinh có nhiều quyền kiểm soát hơn
Một trong những ưu điểm lớn nhất của phương pháp lớp học đảo ngược là tạo ra một môi trường học tập mà học sinh có thể tự quản lý thời gian và phương pháp học tập của mình. Khi xem trước kiến thức mới ở nhà, học sinh sẽ có thời gian để nghiên cứu lượng kiến thức mới và không bị chi phối bởi quan niệm của giáo viên hay chương trình học. Khi lên lớp, việc trao đổi với giáo viên tạo điều kiện cho các em rèn luyện khả năng giao tiếp, chủ động nêu quan điểm và phản biện tranh luận với nhiều góc nhìn khác nhau. Có thể nói việc áp dụng phương pháp này giúp học sinh chủ động kiểm soát toàn bộ kiến thức bài học.
3.2 Khuyến khích việc lấy học sinh làm trung tâm
Thay vì giáo viên là người truyền đạt trung tâm thì phương pháp lớp học đảo ngược biến học sinh thành “trung tâm” của quá trình học. Ưu điểm của nó là khuyến khích học sinh cùng nhau dạy và học các khái niệm dưới sự dẫn dắt của giáo viên. Họ không chỉ là người tiếp thu thông tin mà còn là người tìm kiếm, phân tích và chia sẻ kiến thức với đồng học, tạo nên môi trường học tập tích cực.
3.3 Giáo viên có thể tạo nhiều bài học hấp dẫn
Khi áp dụng phương pháp lớp học đảo ngược, giáo viên cần cung cấp video bài giảng, tài liệu về kiến thức cơ bản để học sinh tự tìm hiểu trước ở nhà. Khi lên lớp, giáo viên chỉ cần giải đáp những phần học sinh chưa hiểu. Do đó sẽ tối ưu được thời gian giảng dạy và không bị mất nhiều thời gian giới thiệu kiến thức mới do học sinh đã tự mình tìm hiểu trước ở nhà. Trong thời gian lên lớp, giáo viên có thể tổ chức các buổi thảo luận hoặc thực hành để kích thích sự tò mò, sáng tạo của học sinh.
3.4 Môi trường học tập linh hoạt phù hợp nhiều đối tượng
Áp dụng phương pháp lớp học đảo ngược sẽ tạo ra môi trường học tập linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng học sinh. Các bạn được thoải mái chọn lựa thời gian và địa điểm học tập phù hợp theo trình độ của mình. Ngoài ra, với những lợi ích lớp học đảo ngược còn giúp giáo viên có thể linh hoạt trong việc điều chỉnh nội dung bài giảng, giúp gia tăng sự thuận tiện trong giảng dạy.
>> Xem thêm: Bài giảng E – Learning là gì? Những lưu ý để xây dựng bài giảng chất lượng
4. Nhược điểm của phương pháp lớp học đảo ngược
4.1 Yếu tố công nghệ có thể là rào cản với học sinh
Đối với phương pháp lớp học đảo ngược, sự phụ thuộc vào công nghệ là không thể tránh khỏi. Với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc ở vùng sâu vùng xa thì phương pháp giáo dục này là một trở ngại. Bởi vì không phải ai cũng có điện thoại thông minh, máy tính, internet và sử dụng công nghệ thành thạo để học tại nhà.
4.2 Đòi hỏi tính chủ động cao ở học sinh
Phương pháp học tập hiệu quả lớp học đảo ngược đòi hỏi tính chủ động và khả năng tự quản lý cao ở học sinh. Không phải tất cả mọi người đều có khả năng tự học một cách hiệu quả, và nó có thể là một thách thức đối với những học sinh chỉ quen thuộc với mô hình giảng dạy truyền thống. Vì vậy đòi hỏi các bạn phải tự trang bị kiến thức và tìm hiểu trước các vấn đề ở nhà mà không có sự giám sát của giáo viên giống như phương pháp học theo kiểu truyền thống.
>> Xem thêm: Dạy học phát triển năng lực: Viết mục tiêu bài học dựa theo nguyên tắc SMART
4.3 Giáo viên cần có nhiều kỹ năng hơn so với lớp học truyền thống
Việc vận hành phương pháp học tập lớp học đảo ngược nhìn có vẻ giảm tải thời gian đứng lớp cho giáo viên nhưng thực tế lại đòi hỏi ở họ nhiều kỹ năng hơn so với lớp học truyền thống. Bởi thầy cô cần thành thạo nhiều nhiệm vụ như edit bài giảng, định hướng và xây dựng nội dung bài giảng phù hợp với học sinh.
Kết luận
Phương pháp lớp học đảo ngược giúp tạo ra trải nghiệm học tập hấp dẫn cho học sinh đồng thời giúp các em ghi nhớ bài học sâu hơn bằng việc áp dụng những gì đã học vào việc giải quyết vấn đề thực tế. Dù vẫn tồn tại nhiều mặt hạn chế nhưng mô hình flipped classroom không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn tạo ra môi trường học tập tích cực, giúp học sinh phát huy tối đa sự sáng tạo và nâng cao tư duy.