Vận dụng phương pháp dạy học dự án trong nền giáo dục hiện đại
Phương pháp dạy học dự án không còn quá xa lạ đối với các trường học hiện nay bởi hình thức giảng dạy này lấy học sinh làm trung tâm. Qua đó giúp phát triển kỹ năng và kiến thức qua những hoạt động mang tính mở, khuyến khích các em tạo ra sản phẩm của chính mình. Thầy cô hãy cùng tham khảo thông tin sau đây để biết cách vận dụng chương trình đào tạo này nhé.
1. Phương pháp dạy học dựa theo dự án là gì?
Phương pháp dạy học dự án đang được nhiều trường học áp dụng và đạt được kết quả tích cực từ phía các em học sinh. Hình thức đào tạo này luôn được đổi mới nhằm phù hợp với yêu cầu của cả nhà trường -thầy cô – gia đình.
1.1 Khái niệm dạy học theo dự án
Phương pháp dạy học dự án là một hình thức giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ của giáo viên, học sinh sẽ tự giải quyết nhiệm vụ học tập từ lý thuyết cho đến thực hành. Cụ thể, thầy cô sẽ làm nhiệm vụ định hướng, khuyến khích các em tìm tòi và vận hành kiến thức được học dựa theo những câu hỏi được lồng ghép những nội dung chuẩn xác.
Theo đó phương pháp giảng dạy này hướng đến mục tiêu học sinh có thể tự tạo ra và giới thiệu sản phẩm học tập mới, sáng tạo và độc đáo hơn. Nói cách khác đó chính là việc sử dụng các hình thức dạy học dự án khác nhau để nhìn nhận và giải quyết vấn đề một cách tốt nhất.
1.2 Những hình thức dạy học theo dự án
Phương thức dạy học dự án được chia theo nhiều tiêu chí khác nhau để giúp việc tư duy cho trẻ được phát triển tốt nhất.
Theo thời gian của dự án
- Dự án nhỏ: Được thực hiện với khoảng thời gian từ 2 – 6 giờ trong một số tiết học
- Dự án trung bình: Được thực hiện vài ngày với thời lượng là 40 giờ học
- Dự án lớn: Dự án được kéo dài trong khoảng thời gian nhiều tuần với lượng thời gian lớn
Theo nhiệm vụ
- Dự án nghiên cứu: Các dự án nghiên cứu sẽ giải thích những hiện tượng, vấn đề xảy ra trong cuộc sống và quá trình diễn ra sự việc đó
- Dự án tìm hiểu: Dự án hướng đến việc khảo sát các đối tượng cụ thể
- Dự án kiến tạo: Thực hiện các hoạt động thực tiễn hay các hoạt động nhằm tạo nên những sản phẩm vật chất như trang trí, sáng tác, biểu diễn,…
Theo mức độ của nội dung
- Dự án thực hành: Thực hiện theo cơ sở vận dụng các kiến thức đã học, kiến thức thực tế và những kỹ năng cơ bản để tạo ra sản phẩm
- Dự án tích hợp: Tích hợp nhiều nội dung hoạt động như nghiên cứu lý thuyết, tìm hiểu thực tiễn, giải quyết vấn đề và các hoạt động thực hành
Ngoài những hình thức phân loại trên thì phương pháp dạy học dự án còn được phân loại theo sự tham gia của người học (dự án cá nhân, dự án lớp, dự án nhóm,…), phân loại theo chuyên môn (dự án môn học, dự án ngoài môn học,…)
2. Đặc trưng của phương pháp dạy học dự án
Những đặc điểm dưới đây sẽ giúp bạn hiểu sâu và áp dụng phương pháp dạy học dự án được tốt nhất.
- Định hướng thực tiễn: Chủ đề bắt nguồn từ những tình huống thực tiễn xã hội, thực tiến nghề nghiệp sẽ giúp học sinh vận dụng các kiến thức được học vào cuộc sống. Tuy nhiên những vấn đề đó phải phù hợp với khả năng nhận thức và trình độ của người học để tạo nên những tác động xã hội tích cực.
- Định hướng hứng thú người học: Với phương pháp học dự án, sự hứng thú của học sinh với môn học được chú trọng đầu tư. Theo đó học sinh được trực tiếp tham gia chọn đề tài, nội dung học tập phù hợp với bản thân.
- Định hướng hành động: Sự kết hợp giữa nghiên cứu và vận dụng lý thuyết vào hoạt động thực hành là nhiệm vụ hàng đầu khi áp dụng chương trình học tập mới này. Qua đó thầy cô sẽ kiểm tra, củng cố, mở rộng kiến thức lý thuyết và nâng cao kỹ năng hành động, thực hành của người học.
- Mang tính liên môn, phức hợp: Dự án có sự kết hợp tri thức của nhiều môn học và lĩnh vực khác nhau nhằm giải quyết tốt nhiệm vụ được đề ra.
- Tính tự lực của người học: Người học cần tham gia tích cực, chủ động trong quá trình học tập. Thầy cô ngoài việc tham gia tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ cần đảm bảo mức độ tự lực của học sinh phù hợp với khả năng của người học và độ khó của nhiệm vụ.
- Cộng tác làm việc: Dạy học theo dự án rèn luyện tính cộng tác giữa học sinh và giáo viên, kỹ năng làm việc nhóm giữa các thành viên.
- Định hướng sản phẩm: Những sản phẩm được tạo ra không chỉ giới hạn trong các thu hoạch lý thuyết mà còn có ý nghĩa thực tiễn.
3. Các bước vận dụng phương pháp dạy học dự án
Vận dụng phương pháp dạy học dự án cần có sự tham gia giữa thầy cô và học sinh với những bước chi tiết như sau.
Bước chuẩn bị
- Xây dựng ý tưởng buổi học và nhiệm vụ học tập
- Chọn chủ đề và tiểu chủ đề
Hoạt động của giáo viên
- Thầy cô chủ động chuẩn bị các câu hỏi liên quan đến nội dung bài học và xác định đúng đối tượng cần học, ý tưởng bài học sao cho nội dung đó gần với sự hiểu biết của học sinh
- Chuẩn bị các dụng cụ, tài liệu để tiến hành đề tài
- Xác định nhiệm vụ, cách thức tiến hành của học sinh để giải quyết tốt mọi vấn đề
Hoạt động của học sinh:
- Học sinh cùng với thầy cô giáo thống nhất các tiêu chí đánh giá
- Học sinh làm việc nhóm để chọn chủ đề dự án, xác định những công việc cần làm, chuẩn bị các vật liệu và phương pháp để hoàn thành mọi công việc được giao
Thực hiện dự án
Hoạt động của giáo viên:
- Hướng dẫn, theo dõi và đánh giá cách thức thực hiện của người học
- Chuẩn bị các điều kiện, vật dụng để học sinh hoàn thành tốt dự án
Hoạt động của học sinh:
- Khi thực hiện phương pháp dạy học dự án, trưởng nhóm có nhiệm vụ phân công công việc cho các thành viên và đảm bảo tiến trình hoàn thành của cả nhóm
- Thu thập xử lý thông tin, đồng thời nhờ sự giúp đỡ của giáo viên để mang lại hiệu quả cao nhất
- Lập báo cáo và hoàn thiện đề tài báo cáo
Kết thúc dự án
Hoạt động của giáo viên:
- Chuẩn bị cơ sở vật chất cho buổi báo cáo dự án
- Theo dõi, đánh giá kết quả dự án của các nhóm đồng thời đưa ra nhận xét đánh giá, góp ý, định hướng cụ thể để các em nâng cao hiệu quả cho những dự án tiếp theo
Hoạt động của học sinh:
- Tiến hành giới thiệu sản phẩm
- Tự đánh giá sản phẩm dự án của nhóm mình và những nhóm khác
- Lưu lại những góp ý của giáo viên và các nhóm khác để ngày càng hoàn thiện
>> Xem thêm: Phương pháp dạy học ở tiểu học
4. Một số lưu ý khi áp dụng phương pháp dạy học dự án
- Vận dụng phương pháp dạy học dự án cần gắn việc học tập trong nhà trường với thực tiễn cuộc sống, đồng thời có sự kết hợp giữa nghiên cứu lý thuyết và vận dụng vào hoạt động thực tiễn
- Nhiệm vụ dự án cần phù hợp với trình độ và khả năng của học sinh
- Nội dung dự án có sự tích hợp liên môn hoặc nhiều lĩnh vực nhằm mở rộng đề tài cho học sinh
- Học sinh được tùy ý chọn đề tài, nội dung học tập phù hợp với khả năng và sự hứng thú của bản thân
- Chương trình đào tạo này thích hợp để dạy các ứng dụng kỹ thuật hay vận dụng các kiến thức vật lý để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn
5. Kết luận
Phương pháp dạy học dự án được xem là chìa khóa giúp các em học sinh mở cửa cánh cổng phát triển bản thân hơn trong tương lai. Thầy cô hãy áp dụng chương trình đào tạo này ngay từ hôm nay để nhanh chóng thấy được sự hiệu quả đến từ các em học sinh nhé.